Arigatou!

Paco đã có thời gian gần 30 năm sống tại Nhật Bản, nơi anh giảng dạy tại một trường đại học. Anh viết nên những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn với những người đã cầu nguyện cho đất nước mình và thuật lại những sự kiện diễn ra ở đây.

Tôi vừa mới nhận được lá thư hồi âm từ một người bạn thân, kể rằng cô ấy và hai đứa con nhỏ hiện đang bị ốm của mình, đều đang cầu nguyện rất nhiều cho chúng tôi ở đây. Cô ấy nói rằng mình rất ấn tượng với bức ảnh của Nhật Hoàng quỳ xuống đất và trò chuyện cùng những nạn nhân của vụ động đất tại Budoukan Tokyo (nghĩa là cung điện võ thuật)

Điều đó khiến tôi liên tưởng đến một cảnh tượng trong quyển Bushido của Inazo Nitobe. Một người đàn ông lớn tuổi cởi mũ ra, khi ông ta dừng lại để chào một phụ nữ truyền giáo đang làm việc trong vườn. “Ông không cần phải quá lịch sự như thế ở đất nước này đâu.” bà ấy nói ông ta. Người nông dân lớn tuổi đó trả lời lại: “Vì tôi không thể chia sẻ với bà cái nón nhỏ này, nên ít nhất thì tôi cũng có thể chia sẻ cùng bà cái nóng gay gắt của mặt trời.”

Thái độ khiêm nhường lẫn nhau này rất đặc trưng ở người dân Nhật Bản. Họ biết cách lắng nghe người khác, tự đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác – một đức tính rất đáng ngưỡng mộ, ít nhất là đối với tôi, vì một trong “những khuyết điểm nội bật” của tôi là nói quá nhiều. Chưa một lần nào trong vòng 28 năm tôi sống ở đây mà tôi để ý thây có sự thiếu kiên nhẫn nào, dù là nhỏ nhất ở những người mà tôi nói chuyện, luôn luôn lắng nghe với một nụ cười và gật đầu khi đồng tình. Khỏi phải nói, tính xấu kia của tôi chỉ có thể “lớn mạnh” ở đây mà thôi.

Và đi đôi với sự lịch sự - nhã nhặn, người Nhật luôn luôn tỏ ra biết ơn. “Sumimasen” (Tôi xin lỗi) và “arigatou” (cảm ơn) là hai từ thường xuyên nghe thấy nhất trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả khi ở giữa những tình cảnh khắc nghiệt mà chúng tôi trải qua trong suốt 3 tuần vừa qua. Khi xem TV hôm qua, tôi đã rất xúc động khi thấy một người đàn ông ngoài 80 tuổi rời bỏ chỗ che chắn để cảm ơn một vài người lính Mỹ vì những chai nước lọc họ vừa mang đến. Nắm chặt tay những người lính, nước mắt chảy ròng, vừa chào vừa liên tục lặp lại câu “arigatou”, “arigatou”, “arigatou”.

Học được điều đó từ họ, tôi muốn nhân cơ hội này bày tỏ lòng biết ơn chân thành vì rất nhiều những tin nhắn ủng hộ, động viên, và đặc biệt là rất nhiều lời cầu nguyện đã hoặc sẽ thành sự thật, và mang đến những phép lạ, dù nhỏ bé hoặc lớn lao. Có lẽ hầu hết chúng sẽ qua đi mà không hề được nhận biết vì chúng diễn ra trong những trái tim, trong sâu thẳm tâm hồn. Nhưng tôi thấy trong những ngày gần đây, phép lạ của một sự đoàn kết chưa từng thấy chắc chắn sẽ mang lại kết quả rất tích cực trong mối quan hệ của những người dân Nhật Bản.

Tại nhà máy hạt nhân Fukushima, chúng tôi nhận được từ Trung Quốc một khớp nối vận tải dài 200 bộ, có khả năng phóng hàng tấn nước từ khoảng cách xa đến các lò phản ứng để làm mát chúng; người Mỹ gửi những robot đã từng được dùng trong chiến tranh với Iraq và Afghan (với mục đích rất khác khi đến nơi đây); các chuyên gia đến từ Pháp, Hàn Quốc, Đức, vv… cũng đến để giúp đỡ. Nhân dân Israel cũng đã gửi đến đây 1 bệnh viện hoàn chỉnh, với một phòng phẫu thuật và đội ngũ các bác sỹ và y tá được tuyển chọn từ những người giỏi nhất tại nước họ. Tôi có thể kể, liệt kê thêm vào danh sách giúp đỡ này rất nhiều cái tên (với hơn 130 nước đề nghị giúp đỡ). Rất nhiều tổ chức và các cá nhân hiện đang hy sinh, tiết kiệm và đóng góp giúp đỡ để chúng tôi sớm hồi phục. Cảm ơn tất cả mọi người! Cảm ơn rất nhiều!

Yuko và cậu con trai Kento là những người may mắn nhờ có một phép lạ nho nhỏ. Họ đang lái xe hơi ngay khi cơn sóng thần đến cuốn họ đi. Chiếc xe của họ bị văng xa hơn 500 dặm bởi con sóng cao hai tầng, cho đến khi nó bị kẹt lại trên một ngọn cây. Khi nước rút đi, chiếc xe cuối cùng cũng chạm đất an toàn trong khi họ quá khiếp sợ, và nghe thì có vẻ giống hệt như một phiên bản nho nhỏ của câu chuyện ông Noah.

Ông Norie, 86 tuổi, đang ở trong nhà bếp của nhà dưỡng lão khi cơn lũ ập đến. Điều cuối cùng ông nhớ là che miệng mình lại bằng một cái khăn quàng khi nước đến nhấn chìm ông. Khi ông tỉnh lại thì thấy mình đang ngồi trên chiếc xe lăn nằm trên bàn trong phòng ăn, cùng với hai cụ già khác. Những cụ già còn lại (khoảng 50 người) đều bị nước nhấn chìm. “Giờ đây, tôi phải sống phần đời còn lại của mình thật mạnh mẽ, cũng như sống cho cả những người bạn đồng hành ở đây đã bỏ chúng tôi mà ra đi.” ông nói với vẻ biết ơn.

Một tờ báo ở đây đăng câu chuyện của Manami, cô bé mới chỉ 4 tuổi mà đã không còn gia đình. Câu chuyện được đăng cùng với 2 bức ảnh. Ở bức ảnh đầu tiên, cô bé thiếp ngủ trên một bức thư mà cô bé đang viết cho mẹ: “Mẹ yêu quý, con hy vọng mẹ vẫn còn sống. Mẹ hiện giờ có khỏe không ?” Ở bức ảnh thứ hai, cô bé ngồi trên chiếc ghế dài nhìn đăm đăm ra biển. Bài báo kết thúc với ghi chú rằng, cô bé ngồi đó mỗi ngày và hy vọng mẹ em trở về. Tôi đang cầu nguyện rằng Manami và nhiều người Nhật khác có thể nhận ra rằng họ còn có một người Mẹ khác, Mẹ Maria “umi no hoshi”, Vì sao của biển cả.

Người Nhật là một dân tộc có rất nhiều đức tính tốt; với tôi thì dường như một lý do cho chuyện này là vì họ quá quen với việc chịu đựng những đau khổ, khó khăn. Hãy nhớ lại những tai họa lớn mà họ đã từng hứng chịu chỉ trong vòng thế kỷ qua- trận động đất ở Tokyo năm 1923, với hơn 145.000 người chết; chiến tranh thế giới lần thứ hai và vụ bom nguyên tử giáng xuống Hirosima và Nagasaki, với gần 2 triệu nạn nhân; bão lớn ở Ise wan (1950), với 5.000 người chết; động đất ở Kobe năm 1995 với 6.000 nạn nhân, cùng với nhiều trận động đất và bão nhiệt đới nhỏ khác xảy ra thường xuyên ở đây. Và nước Nhật luôn luôn vươn lên trở lại, nhờ vào sự bền bỉ và tinh thần đoàn kết tuyệt với của người dân Nhật.

Chúng tôi phải nhìn nhận những điều đó không chỉ với cái nhìn bên ngoài, nhưng với cả cái nhìn của niềm tin và với cả trái tim, cảm động bởi tình yêu thương khiến chúng tôi vượt qua nỗi đau cùng với việc - cầu nguyện, làm thật tốt công việc của mình và cho đi những hy sinh nho nhỏ, nghĩ đến những con người đau khổ không còn lại gì.

Tôi kết thúc tại đây với những lời của Mẹ Teresa, Mẹ rất được yêu mến tại đất nước này. (Ngay lúc này, hiện đang có một cuộc triển lãm về Mẹ ở một phòng trưng bày nghệ thuật ở cách nơi tôi sống 100 thước Anh, kỉ niệm một trăm năm ngày sinh của Mẹ.) Mẹ là người biết sống chịu đựng, “cùng khổ” với những người nghèo khổ nhất. Các nữ tu của Mẹ là những người đầu tiên đến Nhật Bản để chăm sóc cho những người bị bệnh AIDS, vào thời điểm mà căn bệnh đó được xem là thứ cấm kỵ ở đây, vì sợ bị lây nhiễm – “Những người bị bệnh phong” của thế kỷ 20: “Cuộc cách mạng của tình yêu bắt đầu với một nụ cười. Hãy cười năm lần với người con không muốn cười với họ. Hãy làm điều này vì hòa bình.” Mẹ nói.

Một lần nữa, “ARIGATOU!”

Tái bút: Do biệt danh của tôi là Paco: trong tiếng Nhật “pa” nghĩa là “con sóng”, và tôi luôn yêu thích biển, trong khi “co” nghĩa là “được mời gọi”, ám chỉ ơn gọi của tôi, kho tàng tuyệt với nhất Chúa đã ban cho tôi. Một người bạn mà tôi mắc nợ ân tình rất nhiều, Yoshihiko Takayama, đã chọn cho tôi các “kanji” này (các ký tự chữ Hán trong hệ thống chữ viết tiếng Nhật). Tôi muốn nhắc đến anh ấy ở đây để tôn vinh tình bạn của chúng tôi.