Bài phê bình của Juan Manuel de Prada về bộ phim “There Be Dragons"

Một nhà văn nổi tiếng Tây Ban Nha bình luận bộ phim vừa ra đời của Roland Joffé: "There Be Dragons" (tạm dịch: “Vùng Đất Rồng”).

  Có thể nói Roland Joffé là “người Mohican cuối cùng” của trường phái làm phim mà David Lean là đại diện tiêu biểu nhất, một trường phái làm phim có lúc đã bị xem là mai một. Đó là một thể loại điện ảnh cuốn hút hoàn toàn vào những thăng trầm nội tâm của nhân vật trong khi sử dụng tất cả các kỷ xảo tinh vi và tính ly kỳ đặc trưng của một bộ phim bom tấn. Chúng ta đang nói về những bộ phim mang tính anh hùng ca, chú tâm đến cõi tâm linh, đến những góc ngách bí ẩn của tâm hồn, nơi phát sinh một bản giao hưởng những cảm xúc đối chọi mạnh mẽ, đầy giằng xé đau đớn của lương tâm, của lòng trung thành mãnh liệt và của cả sự phản bội day dứt; nó chiếu xuyên như một tia X, bày ra trước mắt chúng ta bản chất mâu thuẫn của một nhân loại có thể có những hành vi đồi bại nhất, nhưng cũng có thể có những kế hoạch và hành động cao quý và phi thường hơn cả. Quả vậy, There Be Dragons (tạm dịch: “Vùng Đất Rồng”) đề cập đến một kế hoạch cao quý và phi thường đó. Bộ phim của Joffé gợi lại tính sử thi của Những Cánh Đồng Chết (The Killing Fields)Giáo Điểm Trên Cao (The Mission). Như trong hai bộ phim đó, Joffé dẫn chúng ta đến cốt lõi của đau khổ, nơi bóng đêm tăm tối nhất đang tự do tung hoành. Rồi cũng như trong hai bộ phim đáng nhớ đó, chúng ta khám phá ra rằng, ngay cả khi tất cả dừng như đã mất hết, thì ánh sáng soi chiếu hành trình của con người trên mặt đất này vẫn có thể bùng lên.

 

Ở đây, người mang lại ánh sáng đó là một linh mục trẻ đến từ Barbastro, người đã gieo rắc hạt mầm tha thứ và hòa giải vào một nơi mà sự hận thù đang lan tràn, và hoa trái của hạt mầm đó trải rộng qua nhiều thế hệ, vượt qua các biên giới, hàn gắn được những vết thương tưởng chừng như không thể chữa lành. Vị linh mục mang lại ánh sángliêng thiêng đó là Josemaría Escrivá de Balaguer, người sáng lập Opus Dei. Thật ngạc nhiên khi một đạo diễn tự coi mình là người theo thuyết bất khả tri lại có thể đi vào cốt lõi của ơn gọi tôn giáo một cách rất chân thành và không thành kiến như vậy, khi ông nắm bắt được hoàn toàn ý nghĩa nền tảng của ơn gọi: Bằng cách ôm lấy Thập Giá, con người có thể đạt đến sự kết hiệp sâu sa với đau khổ của nhân loại.

 

There Be Dragons  phần lớn diễn ra trong bối cảnh của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, nơi mà Thánh Josemaría đã trải qua kinh nghiệm xương máu. Bỏ qua một vài sai sót trong việc tái hiện lịch sử, quan điểm mà Joffé đưa ra đối với cuộc chiến nồi da xáo thịt đó chứa đựng thông điệp thú vị này: Bên cạnh những mục tiêu sai lầm và độc ác mà con người có thể phục vụ, nơi mỗi con người vẫn còn những tàn lửa làm cho phẩm giá họ trở nên quý giá. Trong There Be Dragons, những hỗn loạn và ti tiện của một “Madrid Đỏ” đã không bị che đậy; nhưng ngay giữa cơn bão máu đó, Joffé thích nhìn về một ít người – như người soát vé ở trạm xe điện ngầm đã cứu Escrivía khỏi bị đánh đập, như viên đại úy quân đội Cộng hòa đã giấu ngài trong nhà mình, như vị thủ lãnh phi chính phủ yêu mến một người lính Hungary bằng một tình yêu cao thượng – những con người đó như những bông hoa trong đống gạch đổ nát, vươn lên chống lại sự thống trị của hận thù. Như hạt mầm mang trong mình cái cây, mỗi nhân vật này mang trong mình nét đặc trưng quý giá của tấm lòng nhân đạo bất khuất mà những ý thức hệ trì độn lẫn sự thống trị của tội ác cũng không thể làm lu mờ hoàn toàn được. Và nét đặc trưng đó, được chiếu sáng bởi ân sủng thiêng liêng, là điều mà nhân vật chính trong phim (do Charlie Cox hóa thân sinh động) đã chiến đấu để gìn giữ, để mang trở lại và dưỡng nuôi, chắc chắn rằng sau cùng sẽ sinh hoa kết quả.

 

There Be Dragons là một câu chuyện ngụ ngôn cảm động về sự tha thứ, sức mạnh tinh tuyền ấy có sức tẩy sạch lỗi lầm và mang lại cho con người lòng can đảm cần thiết để đối diện với sự thật. Joffé thành công khi đào sâu sức mạnh có sức đánh tan quyền lực hận thù đó qua nhân vật Escríva, người đại diện cho niềm tin tôn giáo hiện thân nơi mỗi con người đau khổ. Lúc ở quê nhà Barbastro, khi cậu bé Josemaría quyết định trở thành linh mục, cậu hiểu rằng mình không thể phản chiếu hình ảnh Chúa Kitô nếu trước đó không chấp nhận sự hy sinh, nếu không gánh lấy gánh nặng lỗi lầm và đổ vỡ của con người lên vai mình (Joffé cho chúng ta thấy điều đó trong một cảnh đáng nhớ và day dứt, đó là cảnh đôi chân trần bước đi trên tuyết); cậu hiểu rằng việc mang đau khổ của mình và của những người khác là điều có thể đặt nền móng cho sự hòa giải. Một lần nữa, Joffé đã thành công trong việc tỏa sáng nơi địa hạt của bóng tối.