​Thư Đức Giám quản - tháng 3 năm 2015

Mùa Chay là “thời gian đặc biệt thuận lợi để chúng ta bắt chước Đức Kitô qua việc tận hiến quảng đại cho các chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm Thể của Người”, Đức Giám Quản nói với chúng ta như thế trong thư mục vụ tháng này.

Các con yêu dấu của cha: Xin Chúa Giêsu gìn giữ các con!

Một số ngày của Mùa Chay đã trôi qua. Ngoài việc suy gẫm, với tâm tình tạ ơn và hăng hái học hỏi, 40 ngày cầu nguyện và chay tịnh trong sa mạc của Chúa Giêsu và cuộc chiến đấu vinh thắng của Người chống lại sự dữ, Giáo Hội còn mời gọi chúng ta chuẩn bị bản thân thật kỹ lưỡng để bước vào khung cảnh của cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa chúng ta trong cử hành Vượt Qua sắp tới. Vì thế, Giáo Hội khích lệ chúng ta dành thời gian phụng vụ này để kết hợp mật thiết với Thầy Chí Thánh, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta những năm qua.

Nào, chúng ta lên Giêrusalem (Mc 10,33). Với những lời này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cùng với Ngài lên đường đi từ Galilê đến nơi mà sứ mệnh cứu chuộc của Người sẽ được hoàn tất. Cuộc hành trình lên Giêrusalem này, theo các tác giả Tin Mừng thuật lại, như giờ phút vinh hiển trong hành trình dương thế của Đức Kitô, là gương mẫu cho cuộc đời mỗi Kitô hữu đã cam kết bước theo Thầy Chí Thánh trên con đường Thập Giá.

“Đức Kitô cũng mời gọi những người nam, người nữ hôm nay 'hãy đi lên Giêrusalem'. Người làm như vậy với một tác động đặc biệt trong Mùa Chay, là thời gian thích hợp để hoán cải và khôi phục lại sự kết hợp toàn vẹn với Người bằng cách thông phần cách mật thiết vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Vì thế, đối với các tín hữu, mùa Chay là thời gian thuận tiện để xem xét lại cuộc sống của mình cách sâu sắc.” [1]

Chúng ta đã quen thuộc với những tập tục chính yếu mà Giáo Hội khuyên làm suốt mùa Chay để bày tỏ lòng khát khao hoán cải, đó là: cầu nguyện, sám hối, và làm việc bác ái. Cha muốn các con giờ đây đặc biệt lưu ý đến điểm cuối này. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong thông điệp mùa Chay, có đề cập đến sự “toàn cầu hóa của thờ ơ, lãm đạm”: một thứ tội lỗi đã trở nên nổi bật trong thời đại chúng ta hôm nay và đối chọi trực tiếp với cách Thiên Chúa hành động. Vì Chúa chúng ta, với lòng thương xót vô bờ, chăm sóc đến từng người và mọi người chúng ta. Ngài tìm kiếm chúng ta ngay cả khi chúng ta xa cách Ngài, và không bao giờ ngừng soi sáng chúng ta với ánh sáng và sức mạnh ân sủng của Ngài, để chúng ta quyết tâm hành xử cách xứng đáng là con cái Ngài mọi lúc mọi nơi. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Nhưng thường thì khi chúng ta mạnh khỏe và thảnh thơi, chúng ta lại quên người khác (điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm): chúng ta thờ ơ với những vấn nạn của họ, những đau khổ và bất công mà họ đang phải gánh chịu…” [2]

Để vượt qua điều nguy hiểm này, chúng ta phải nhớ sống tương trợ tha nhân. Và trên hết, chúng ta cần suy ngẫm mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, mầu nhiệm ấy sẽ khích lệ chúng ta biết sẵn sàng phục vụ, biết quan tâm đến người khác mỗi ngày, đến các anh chị em đang cần được nâng đỡ về tinh thần hoặc vật chất. Có như thế, mùa Chay mới trở nên một thời gian đặc biệt thuận tiện để bắt chước Đức Kitô qua việc dấn thân quảng đại cho các thành phần chi thể trong Nhiệm Thể của Người, làm phản chiếu việc Người trao ban chính mình cho chúng ta.

Sức mạnh để hành động theo cách thức ấy đến từ việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các Bí tích (Xưng tội, Thánh Thể), được quy định cách cụ thể trong các điều răn Hội Thánh, nhất là trong dịp mùa Chay này. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong phép Thánh Thể với những tâm thức thiêng liêng cần thiết, như thế chúng ta sẽ ngày càng nên giống Chúa hơn; sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu sẽ trở nên hoàn hảo hơn cho đến khi chúng ta đạt đến mức – như Cha chúng ta đã từng nói – ipse Christus, là chính Đức Kitô. Và bản thân chúng ta sẽ xem nhu cầu của người khác như nhu cầu của chích mình, không bao giờ cho phép trái tim mình lãnh đạm với người khác vì ích kỷ.” [3] Làm sao chúng ta có thể không nhớ những lời lẽ mạnh mẽ của Thánh Phaolô: Nếu một bộ phận đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. [4]

Các con thân mến, cha rất muốn chúng ta áp dụng những suy tư này trong việc chăm sóc những người đau yếu: một việc làm đầy lòng thương xót mà Chúa Giêsu ân thưởng cách đặc biệt. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện hằng ngày cho những người đang chịu đựng ngược đãi vì những xác tín tôn giáo. Nhu cầu của bất cứ ai cũng đều phải không xa lạ với chúng ta! Chúng ta hãy nài xin Chúa giúp họ bằng nguồn ân sủng của Ngài và ban thêm sức mạnh cho họ. Và vì các việc bác ái cần theo thứ tự, trước tiên phải đến với những người thân cận nhất (các thành viên trong gia đình huyết thống và gia đình thiêng liêng, bạn bè, láng giềng, các đồng nghiệp nơi làm việc), rồi đến tất cả những ai cùng chia sẻ mối dây huynh đệ, cho dù hoàn cảnh có khác nhau.

Những đề nghị của Đức Thánh Cha rất rõ ràng: “Chúng ta có trải nghiệm mình là phần chi thể trong một thân thể không? Một thân thể nhận lãnh và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn trao ban? Một thân thể ý thức và chăm sóc những thành phần yếu đau nhất, nghèo khổ nhất và cần được quan tâm nhất? Hay chúng ta chỉ biết ẩu náu trong một tình yêu phổ quát, mong muốn ôm lấy cả thế giới, trong khi không nhận ra những Lagiarô đang ngồi trước cửa nhà đóng kín của chúng ta? (x. Lc 16,19-30)?” [5]

Cha muốn nhân lá thư này một lần nữa cám ơn tất cả các con và rất nhiều người khác nữa đang chăm sóc những người yếu đau, già nua, vì sự dấn thân quảng đại của họ trong công việc này: Thiên Chúa mỉm cười rất tươi với họ! Cha biết những nỗ lực ấy đôi lúc cũng dẫn đến mệt mỏi. Nhưng khi đó, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên một thực tại rõ ràng dưới ánh sáng đức tin: việc chăm sóc những người không thể tự chăm sóc bản thân mình, tại nhà của họ hoặc ở những nơi khác, là đặt chúng ta ngay trong Thánh Tâm Thương Xót của Chúa chúng ta. Chúng ta hãy dấn thân phục vụ tốt nhất cho họ, không mặc cả những hy sinh cá nhân. Cha thường đọc thấy Cha Thánh Josemaria đã rất vui vẻ – điều đó thật cần thiết, vì chúng ta đang cộng tác với Opus Dei! – đi thăm viếng những người bệnh, ở lại với họ. Từ những giây phút ấy, Cha Thánh đã kín múc sức mạnh để thực thi những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi Ngài.

Trong Opus Dei, chúng ta có kinh nghiệm về những công việc từ thiện: cha muốn nhắc lại là Opus Dei được ra đời và củng cố giữa những người nghèo và người đau bệnh. Rất ý nghĩa đối với chúng ta là vào ngày 19 tháng 3 năm 1975, chỉ vài tháng trước khi về Quê Trời 40 năm trước đây, Cha Thánh đã mạnh mẽ khơi lại những ngày đầu thành lập ấy trong một buổi gặp gỡ các gia đình. Cha mời gọi các con hãy suy tư lại một lần nữa những lời nói của Ngài.

“Cha đi tìm sức mạnh nơi những khu phố nghèo nhất Madrid. Mỗi ngày, Cha trải qua nhiều giờ rảo qua hết chỗ này tới chỗ khác khắp Madrid, thăm hỏi những người nghèo đầy mặc cảm, đầy đau khổ, những người hoàn toàn không có thứ gì; những đứa trẻ dơ bẩn thò lò mũi xanh, nhưng chúng là những đứa trẻ, và trên hết là những linh hồn đẹp lòng Thiên Chúa… Cha trải qua nhiều giờ làm việc tại đó. Cha chỉ tiếc là không có nhiều thời gian hơn. Trong các bệnh viện, trong những ngôi nhà, hay đúng hơn là những cái lán, những người yếu đau nằm đó. Họ là những người bị bỏ rơi và đau bệnh, một số mắc phải những căn bệnh không thể chữa khỏi, lao phổi…

“Đó là những năm tháng khó khăn mà Opus Dei lớn lên từ bên trong mà hầu như chúng ta không nhận ra. Nhưng Cha muốn kể lại với các con (ngày nào đó người ta sẽ giải thích cho các con chi tiết hơn qua các tài liệu và giấy tờ) rằng sức mạnh nhân văn của Hội là những bệnh nhân trong các bệnh viện Madrid: những nơi nghèo nàn nhất; rồi những người bệnh nằm tại nhà, những con người đã mất hết niềm hy vọng cuối cùng; những con người bị lãng quên trong những khu ngoại ô rách nát.” [6]

Cha muốn khuyên những người bệnh là hãy ngoan ngoãn và để mình được chăm sóc; rằng họ hãy biết ơn tình cảm nhân loại và Kitô hữu mà chính Chúa Giêsu là người ban tặng họ thông qua những người chăm sóc họ. Biết bao nhiêu người, kể cả những người thiếu kho tàng đức tin, đã cảm động bởi những thể hiện của tình yêu Kitô hữu và nhân loại đích thực, và cuối cùng đã khám phá khuôn mặt của Đức Kitô nơi những bệnh nhân, hay nơi những người mà chính họ đã dành thời gian cho!

Vui mừng biết bao khi chúng ta sắp đến Lễ Thánh Cả Giuse và Lễ Truyền Tin cho Đức Maria. Những ngày đại lễ này có một ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh Mẫu cầu cho Gia Đình, vì gợi lên trước mắt chúng ta bầu khí của Gia Đình Nazarét. Nơi đó hiện diện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng vô cùng thanh khiết của Đức Maria. Nơi Thánh Gia, Chúa Giêsu đã sống bao nhiêu năm, được bao bọc từng giây lúc trong tình yêu và sự chăm sóc của Mẹ Người và Thánh Giuse. Nơi đó, người Gia Trưởng thánh đức đã làm việc với sự hoàn hảo nhân loại và siêu nhiên. Đó là những lý do tuyệt vời để phó thác cho ba Đấng sự thánh thiện của các gia đình Kitô hữu và để nài xin ba Đấng bảo trợ cho tất cả các gia đình trên thế giới.

Trong những buổi triều kiến chung gần đây, Đức Thánh Cha thường nhấn mạnh đến vai trò hết sức quan trọng của người mẹ và người cha trong gia đình. Trong một dịp như vậy, Ngài nói: “Người mẹ là liều thuốc giải mạnh nhất ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ.” [7] Cũng thế, người cha đóng vai trò căn bản quan trọng không kém. Mỗi gia đình cần có sự hiện diện của người cha, dù không may là “ngày nay ai đó đã bảo rằng xã hội chúng ta là một 'xã hội không cha'… Đặc biệt trong văn hóa phương Tây, hình ảnh người cha đã trở nên vắng bóng, mơ hồ, bị loại bỏ” [8] Đây là một thái độ sai lầm nghiêm trọng, vì người cha và người mẹ hoàn toàn không thể thiếu để những đứa con phát triển hài hòa trên mọi phương diện. Lời cầu nguyện chúng ta dành cho các gia đình, cho tế bào sống động của Giáo Hội và xã hội này, đã đủ mãnh liệt và quảng đại chưa? Chúng ta có cầu nguyện cho mọi gia đình nên như phần mở rộng của gia đình đã bảo bọc Chúa Con tại Nagiarét? Chúng ta có bày tỏ lòng biết ơn đối với những hy sinh quảng đại và vui tươi của vô số người cha, người mẹ? Chúng ta có nhớ cầu nguyện cho hạnh phúc của những đôi vợ chồng mà Thiên Chúa không ban cho con cái, để họ biết yêu mến Thánh Ý, ngoài ra biết nêu gương phục vụ toàn thể nhân loại?

Nhưng dù Chúa ban cho nhiều hay ít con, hoặc không ban con cái thì mỗi gia đình Kitô hữu cần biết nuôi dưỡng niềm vui nhận biết mình là một “Hội Thánh tại gia”. Vì vậy, cha xin gửi cho các con những lời giảng huấn sau đây của Thánh Josémaria khi Ngài nói rằng các bậc cha mẹ cần luôn đón nhận con cái “với niềm vui và tâm tình tạ ơn, vì chúng là quà tặng và hồng phúc Chúa ban và là bằng chứng sự tin tưởng của Người”. [9] Cha Thánh còn thêm: “Không nghi ngờ gì về sự sút giảm số trẻ em trong các gia đình Kitô hữu sẽ dẫn đến sự giảm sút số lượng ơn gọi linh mục và số các tâm hồn muốn tận hiến đời mình để phục vụ Đức Kitô. Cha thấy không ít cặp vợ chồng Chúa chỉ cho có một người con duy nhất đã quảng đại dâng con cho Chúa. Nhưng không nhiều người làm như vậy. Trong một gia đình đông con, người ta sẽ dễ hiểu hơn về sự lớn lao của ơn thiên triệu, và trong số các con, có nhiều kiểu sống và nhiều con đường khác nhau.” [10]

Các đôi vợ chồng không phải luôn có con đẻ. Khi điều này xảy ra, họ không nên xem như mình đã thất bại, vì không phải như vậy. Có một phương cách khác – cũng thánh thiêng – mà Chúa đã chúc phúc cho tình yêu hôn nhân. Cha Thánh nói: “Những gia đình đông con cho cha niềm vui rất lớn. Nhưng khi cha gặp một cặp vợ chồng không con, vì Chúa đã không ban con cho họ, cha cũng tràn ngập niềm vui. Không những chỉ vì họ thánh hóa gia đình họ rất tốt, mà còn vì họ có nhiều thời gian hơn để tận hiến cho con cái của người khác, và hiện giờ có nhiều người đang làm như vậy với sự xả thân thật cảm động. Cha có thể tự hào nói rằng cha chưa bao giờ dập tắt một tình yêu dương trần cao quý: trái lại, cha luôn khích lệ tình yêu ấy, vì phải làm như vậy, mỗi ngày một hơn, để nên một con đường nên thánh.” [11] Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì lòng trung thành vui tươi của các đôi vợ chồng.

Vào dịp lễ kính Thánh Giuse, tất cả chúng ta sẽ chạy đến với vị Thánh Cả, cầu xin Ngài làm cho cuộc đời chúng ta thấm đượm lòng trung thành với Chúa, ngày qua ngày, như Đấng Công Chính ấy đã làm để đáp lại mọi yêu cầu của Thiên Chúa. Và trước khi kết thúc, cha muốn nhắc các con là ngày 28 tháng 3 là ngày kỷ niệm 90 năm Cha Thánh chịu chức Linh mục. Hãy khẩn xin Ngài với sự liên lỉ và cung kính đặc biệt cho Hội Thánh và Đức Thánh Cha; cho ơn gọi linh mục và tu sĩ; cho các ơn gọi – cũng thiêng liêng – cho sự tận hiến giữa lòng thế giới, trong bậc độc thân phục vụ tông đồ hay trong bậc gia đình; cho sự trung thành của tất cả Kitô hữu. Hãy dâng những ý nguyện của các con, với niềm tin tưởng và cậy trông, cho Mẹ Maria và Thánh Giuse, để chúng ta học cách là những nhà chiêm niệm giữa lòng thế giới. Và hãy tiếp tục cầu nguyện cho tất cả các ý nguyện của cha nữa.

Cha rất vui sướng nói với các con rằng, trước khi bắt đầu tuần tĩnh tâm của cha, cha đã đi cầu nguyện ở Loreto, cùng với tất cả các con và Cha Thánh. Cha đã từng đồng hành với Ngài trong một số dịp và chứng kiến ngài yêu mến Đức Mẹ biết bao và phó thác trong tay Mẹ cuộc đời tất cả con cái Ngài, chính cuộc đời của Ngài – và Hội! – để phục vụ Hội Thánh ngày một nhiều hơn và tốt hơn.

Với tất cả yêu thương, cha chúc lành cho các con,

Cha của các con,

+ Javier

Rôma, ngày 1 tháng 3 năm 2015


Chú thích:

[1] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp mùa Chay, 7/1/2001.

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp mùa Chay 2015, 04/10/2014.

[3] Tài liệu đã dẫn.

[4] 1 Cr 12,26.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp mùa Chay 2015, 04/10/2014.

[6] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi họp mặt các gia đình, 19/03/1975.

[7] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo huấn trong buổi triều yết chung, 07/01/2015.

[8] Đức Giáo Hoàng Phanxicô,Giáo huấn trong buổi triều yết chung, 28/01/2015.

[9] Thánh Josemaría, Thư ngày 09/01/1959, số 54.

[10] Tài liệu đã dẫn, số 55.

[11] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi họp mặt các gia đình, 10/04/1969.