Thư Đức Giám Quản - Tháng 2/2011

Trong thư tháng này, Đức Giám Quản nói với chúng ta: “Như chúng ta thấy nơi Đức Mẹ, việc sống thiết thân với Thiên Chúa tất yếu sẽ làm cho ta gần gũi với tha nhân.”

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Trong niềm vui to lớn, như vô số người con của Hội Thánh cùng nhiều người khác trên khắp địa cầu, chúng ta hân hoan đón nhận tin Người Tôi Tớ của Thiên Chúa – Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – sẽ được phong Chân Phước vào ngày 1 tháng 5 tới. Ngày đó, lịch phụng vụ mừng lễ Thánh Giuse Thợ, năm nay trùng vào Chúa nhật thứ II Phục Sinh, ngày dành riêng để kính Lòng Chúa Thương Xót, mà Đức Cố Giáo Hoàng thân yêu đã có lòng sùng mộ sâu sắc.

Cha thiết nghĩ rằng, cách hay nhất để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, vì món quà mà Ngài ban tặng cho Hội Thánh và cho nhân loại này, là chúng ta đón nhận, với niềm háo hức và hân hoan mới, con đường thánh hóa những cảnh huống bình thường của cuộc sống. Con đường đó chúng ta đã được học từ Thánh Josemaría, và trong Tông thư mở đầu thiên niên kỷ mới, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã chỉ ra đó như thách thức lớn nhất mà mọi Kitô hữu phải đương đầu, không trừ một ai. Đừng hiểu sai là lý tưởng trở nên hoàn thiện này chỉ liên quan đến một số người phi thường, hoặc chỉ có thể xảy ra nơi một ít vị ‘anh hùng vĩ nhân’ thánh thiện. Có nhiều con đường nên thánh, tùy vào ơn gọi của mỗi cá nhân… Đã đến lúc hết lòng đề nghị lại với mọi người chuẩn mực cao cả cho đời sống thường nhật của người Kitô hữu: trọn đời sống của cộng đồng Kitô hữu và các gia đình Kitô hữu phải dẫn đến chiều kích này.” [1] Và Đức Cố Giáo Hoàng cũng đã nói điều tương tự trong Sắc lệnh Phong thánh cho Cha chúng ta, xác nhận Cha chúng ta như “vị Thánh của đời sống thường nhật.” [2]

Phụng vụ các Chúa nhật mùa Thường niên sắp tới vang vọng nhu cầu cấp thiết này khi chúng ta đọc chương 5 Tin mừng Thánh Matthêu. Hai hôm trước, chúng ta được nghe Tám mối Phúc thật mở đầu Bài giảng trên núi, và trong những Chúa Nhật tiếp theo, chúng ta sẽ được nghe những hiệu quả của lời kêu gọi nên thánh này. Chúa chúng ta giải thích cho những người nghe thấy rằng lời giảng dạy của Ngài dẫn đến sự kiện toàn của Lề luật mà Thiên Chúa đã ban cho Môsê trên núi Sinai như thế nào. Đến cuối chương, Ngài đã tóm tắt bài giảng với những lời này: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. [3]

Không có Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ có thể đạt đến đích điểm đó: Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được, [4] Ngài đã bảo như vậy trong Tin mừng Thánh Gioan. Và mỗi người chúng ta phải đáp trả cách tự do, mở lòng ra đó nhận hồng ân Chúa Thánh Thần, Đấng đến với chúng ta cách đặc biệt qua các Bí tích, qua các dấu chỉ khả giác mà Thiên Chúa, với lòng nhân từ và khôn ngoan, đã lập ra để đến gần các tạo vật của Ngài hơn. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nói: “Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa xa cách, quá xa vời hay quá vĩ đại để cảm thấy phiền hà với những chuyện vặt vãnh của chúng ta. Nhưng bởi vì Người cao cả, nên linh hồn con người, chính con người mà Ngài đã tạo dựng nên bằng tình yêu vĩnh hằng, không phải là một điều nhỏ mọn, nhưng là một điều quý giá và xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa.” [5] Đề cập đến các phản ứng sợ hãi khi đối diện với sự thánh thiêng của Thiên Chúa mà Cựu Ước kể lại, Đức Thánh Cha thêm rằng: Khi Đấng Mêsia đến thế gian, “sự thánh thiêng của Thiên Chúa không phải là quyền năng sáng chói để đứng trước quyền năng đó, chúng ta thu mình khiếp sợ. Nhưng đó là sức mạnh của tình yêu và bởi thế đó là sức mạnh tinh tuyền và cứu chữa.” [6]

Lễ Thanh tẩy của Đức Mẹ mà chúng ta cùng nhau cử hành vào ngày 2 tháng 2, cùng với lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ, cho chúng ta thấy mình cần thanh tẩy bản thân khỏi tội lỗi, bước đầu tiên và cần thiết để tiến lên trên con đường nên thánh. Bối cảnh Tin mừng được chiêm ngắm trong mầu nhiệm thứ tư mùa vui của Kinh Mân Côi mà Thánh Josemaría đã dạy chúng ta suy ngẫm khi mời gọi chúng ta “đi vào” cảnh huống đó trong cuộc đời Mẹ Maria. Chúng ta hãy nhắc lại ở đây: Sau khi trích tường thuật của Thánh Luca, Cha chúng ta đã viết: “Lần này, bạn thân mến, bạn sẽ là người xách lồng chim câu. Hãy nghĩ mà xem: Đức Maria, Đấng không hề hoen ố, lại phải tuân theo luật thanh tẩy. “Bạn trẻ ơi, gương sáng này không dạy bạn cách vâng theo luật thánh của Thiên Chúa cho dù phải hy sinh bản thân sao ? “Thành tẩy! bạn và tôi cần được thanh tẩy biết bao! Ăn năn thống hối, và hơn thế nữa, tình yêu. Tình yêu như thỏi sắt nung đỏ đốt cháy những nhơ bẩn của tâm hồn và như ngọn lửa thiêng liêng thiêu rụi mọi điều thảm hại trong chúng ta.” [7]

Hơn 20 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể cứu chuộc, và thật đáng tiếc, tội lỗi vẫn tiếp tục tồn tại trên trái đất. Mặc dù Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi bằng cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển của Ngài, việc áp dụng các công trạng vô biên của Ngài vẫn phụ thuộc vào sự cộng tác của chúng ta. Được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, mỗi người chúng ta phải nổ lực biến các công trạng của Đấng Cứu Thế thành công trạng của chính chúng ta, bằng cách cộng tác với Ngài trong công trình Cứu chuộc. Ngài đặc biệt trông đợi việc phục vụ đó từ những ai muốn dấn thân theo sát Ngài trong Hội Thánh là phương tiện và công cụ cứu chuộc cho toàn thể nhân loại. Các con có đang nổ lực để nhổ bỏ tận gốc bất cứ điều gì có thể chia cách các con với Thiên Chúa hay không? Các con có nuôi dưỡng mỗi ngày lòng ao ước muốn được kết hợp thân tình hơn với Thiên Chúa hay không?

“Tuy đã kinh qua tội lỗi nhưng không nên để nó làm chúng ta nản lòng từ bỏ sứ mạng. Thật ra, tội lỗi có thể làm chúng ta khó lòng nhận ra Chúa Kitô. Đó là lý do vì sao chúng ta buộc phải đối mặt với những đau khổ riêng và tìm cách thanh tẩy bản thân. Nhưng khi thực hiện điều này, chúng ta phải thấy rõ rằng Thiên Chúa không hứa cho chúng ta chiến thắng sự dữ cách trọn vẹn ở đời này. Mà thay vào đó, Ngài đòi buộc chúng ta phải chiến đấu. Thiên Chúa chúng ta trả lời với Thánh Phaolô khi Ông xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ đau nơi thân xác đã hành hạ Ông: ‘Ơn của Thầy đủ cho anh’ (2 Cr 12, 9).

“Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối và thôi thúc chúng ta chiến đấu chống lại những bất toàn của bản thân, dầu cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ giành được chíến thắng chung cuộc trong kiếp sống trần thế. Đời sống của người Kitô hữu mỗi ngày là một khởi đầu mới liên tục. Đời sống đổi mới không ngừng.” [8]

Chúng ta sẽ nổ lực cách hiệu quả chống lại tội lỗi và những hệ quả của nó trong đời sống mình nếu chúng ta đến cùng Bí tích Hòa Giải với lòng ăn năn sám hối chân thành, một cách thường xuyên, với ý thức rằng Bí tích của lòng thương xót này đã được Thiên Chúa thiết lập không phải chỉ để tha các tội trọng, mà còn để thêm sức mạnh cho linh hồn ta trong giờ phút chiến đấu chống lại những kẻ phá hoại việc nên thánh của chúng ta. “Không phải là bỏ mặc tình trạng khốn cùng của chúng ta nhưng cách nào đó thông qua tình trạng này, thông qua cuộc sống của chúng ta là những con người bằng xương bằng thịt và là bụi đất, Chúa Kitô được tỏ hiện ra trong cố gắng của chúng ta để ngày nên hoàn thiện hơn, để có được tình yêu tinh tuyền, để chiến thắng tính ích kỷ của ta, để trao tặng chính chúng ta cách trọn vẹn cho người khác – để biến sự hiện diện của ta thành việc phục vụ liên lỉ.” [9]

Cách đây vài năm, khi bắt đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã cảnh báo chúng ta về một cám dỗ vẫn thường xảy ra trong thế giới hiện nay: đó là suy nghĩ sai lệch về sự “tự do để nói không [với Thiên Chúa], để rơi vào bóng tối của tội lỗi và để hành động theo ý riêng như là chứng tỏ con người thực của mình; đó là cám dỗ tin rằng chỉ khi đó chúng ta mới có thể đạt đến chiều kích sâu và rộng của bản chất người nam, người nữ, để sống thật là mình; đó là cám dỗ suy nghĩ rằng chúng ta nên kiểm chứng sự tự do này, ngay cả khi nó phản nghịch lại Thiên Chúa, để chúng ta được hoàn toàn trở nên chính mình. Tóm lại, chúng ta nghĩ rằng sự dữ căn bản là tốt, chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần nó, ít ra là một chút, để có được kinh nghiệm tròn đầy về sự hiện hữu.” [10]

Sự dối trá của lập luận này (mà đôi khi nó có thể tồn tại thậm chí nơi những người muốn thi hành thánh ý Chúa) có thể dễ dàng thấy được khi nhìn vào thế giới quanh ta. Như Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thấy rằng sự thật không phải như thế; nói cách khác, sự dữ luôn độc hại, nó không nâng con người lên, nhưng lại nhục mạ và làm suy thoái con người. Nó không làm cho con người nên cao cả hơn, tinh tuyền hơn, khỏe mạnh hơn, nhưng lại gây tổn hại và làm giảm giá trị của con người.” [11]

Trong bối cảnh này, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức mà chúng ta mừng kính vào ngày 11 tháng 2 mang một ý nghĩa đặc biệt. Chính trong góc núi hẻo lánh đó của dãy Pyrênê, sau nhiều lần hiện ra với một thiếu nữ, yêu cầu cô cầu nguyện và khuyên bảo những người khác cầu nguyện cho các tội nhân, Đức Mẹ đã mạc khải về mình: Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội. Điều đó cho thấy tạo vật mà nhờ ân sủng đặc biệt, để xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa, đã được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ và khỏi tất cả vết nhơ tội riêng ngay từ giây phút đầu tiên tượng hình trong lòng mẹ. Chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ, là Đấng trung gian hòa giải tuyệt vời hằng dõi theo chúng ta với lòng xót thương; xin Mẹ chuyển bao ơn lành mà Con Mẹ đã trao ban cho chúng ta.

Nổ lực để luôn sống trong ân sủng Thiên Chúa không làm cho người Kitô hữu xa cách với anh chị em mình. Trái lại, nó làm cho họ nhạy cảm hơn trước những nhu cầu về tâm linh và vật chất của tha nhân. Nó mang lại cho họ một tâm hồn cao cả, với khả năng trắc ẩn và trao ban chính mình cho từng người anh em. Sống thiết thân với Thiên Chúa tất yếu sẽ làm cho ta gần gũi những người khác, dù sống gần hay xa ta. “Chúng ta thấy điều này nơi Đức Maria. Việc Mẹ hoàn toàn ở với Chúa là lý do giải thích vì sao Mẹ thật gần gũi với nhân loại. Vì thế, Mẹ có thể trở thành Mẹ hằng cứu giúp và ủi an, người Mẹ mà ai cũng có thể can đảm ngỏ lời trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào của mình, dù yếu đuối và tội lỗi, vì Mẹ cảm thông trong mọi sự và với mọi người Mẹ là cửa mở vào kho tàng ơn phúc của Thiên Chúa.” [12]

Những suy tư này có thể giúp chúng ta tận dụng nhiều hơn và tốt hơn các ân sủng mà chúng ta tin tưởng rằng Đức Mẹ sẽ ban cho ta cách dồi dào lúc này đây, khi kết thúc năm kính Đức Mẹ vào ngày 14 tháng này, ngày tưởng nhớ về hai sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử của Hội: Can thiệp đầu tiên: Thiên Chúa mạc khải cho Thánh Josemaría biết rằng Opus Dei cũng dành cho nữ giới; và Can thiệp thứ hai: Người mạc khải cho Thánh nhân về việc truyền chức các Linh Mục đầu tiên của Hội. Chúng ta hãy dọn mình để cảm tạ lòng thương xót của Thiên Chúa bằng tấm lòng thống hối và khiêm nhu, [13] được thanh tẩy hoàn toàn qua việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải một cách hiệu quả. Chúng ta hãy theo lời khuyên của Thánh Josemaría: “Hãy xin Chúa Giêsu ban cho các con một Tình Yêu như lò thanh luyện, trong đó xác thịt yếu hèn của các con, trái tim cằn cỗi của các con sẽ bị thiêu cháy và được gột sạch mọi thấp hèn trần thế. Hãy cầu xin cho trái tim con được trống rỗng chính con và được đong đầy Thiên Chúa. Hãy xin Ngài cho các con biết ghét những gì thuộc về thế gian, để các con có thể đứng vững nhờ Tình Yêu của Ngài mà thôi.” [14]

Có nhiều ngày lễ kỷ niệm trong tháng này. Trong những ngày này, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên với Chúa: ut in gratiarum semper actione maneamus!, bằng hành động tạ ơn liên lỉ. Các con trai, con gái của Cha, hãy hiểu rõ rằng Hội là của các con, của mỗi một người trong các con.

Lễ kính Thánh Giuse đang đến gần, với những truyền thống xa xưa trong Giáo Hội và trong Opus Dei. Nối tiếp lòng sùng kính xưa và nay, chúng ta hãy chú tâm sống 7 Chúa Nhật mà các Kitô hữu đạo đức vẫn dành để chuẩn bị cho lễ mừng kính này. Cha còn nhớ Cha của chúng ta, khi viết đầy những quyển sổ tay hằng năm của Ngài, thường nhờ Cha viết vào đó giúp Ngài những nỗi buồn và niềm vui của vị Thánh Cả, để Ngài có thể suy niệm về nó vào mỗi ngày Chúa Nhật ấy. Đó là cách thức Ngài đã dọn mình để mừng lễ tốt hơn, với lòng yêu mến và tri ân vô cùng đối với Đấng mà Ngài gọi là “Cha và Thầy của con, người mà con rất yêu mến”.

Cha đã “trốn” sang Brussels, như đi cùng tất cả các con. Ở đó, cùng với Cha chúng ta, Cha đã thấy Hội đang lớn lên vững mạnh như thế nào; và Cha đã nhận ra rằng được như thế là do mỗi người các con đã đóng góp vào mỗi ngày và dân chúng từ khắp các nơi đang đề nghị chúng ta đến với họ: mong sao không ai bảo rằng chúng ta đang thờ ơ trước những đề nghị thành khẩn này.

Chúng ta hãy nhờ lời cầu bầu của Đức Cố Giám Mục Don Álvaro, mà lễ thánh quan thầy của Ngài được mừng vào ngày 19 tháng 2, Ngài luôn có kế hoạch tông đồ cho mỗi ngày sống. Ngài luôn ưu tư về các linh hồn, và luôn bị thôi thúc bởi sự cấp bách này khi trò chuyện cùng những ai mà Ngài gặp gỡ.

Hôm qua, Đức Thánh Cha đón tiếp Cha trong một buổi yết kiến. Cha đã đến đó như thể đi cùng tất cả các con, và Cha đã nói với Ngài, như Cha chúng ta đã dạy, rằng chúng ta khao khát được thấy điều này thành sự thật, đó là omnes cum Petro ad Iesum per Mariam! “Toàn thể nhân loại cùng Thánh Phêrô đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria!” Ngài nói với Cha rằng Ngài được an ủi bởi sự hỗ trợ của chúng ta. Ngài ban phép lành cho tất cả chúng ta. Vì Ngài trông đợi nơi các con và Cha, chúng ta hãy dành cuộc đời mình để hỗ trợ Huấn quyền của Ngài, hiệp nhất với Ngài và với các dự định của Ngài. Chúng ta hãy yêu mến Đức Giáo Hoàng thật nhiều!

Trước khi những dòng thư này kết thúc, một lần nữa Cha xin các con luôn nhớ đến tất cả các dự định của Cha, trao phó chúng cách đặc biệt cho Đức Mệ Vô Nhiễm, Mater Pulchrae Dilectionis, Mẹ của Tình Yêu Công Chính.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

Rôma, ngày 1 tháng 2 năm 2011

Ghi chú:

[1] Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, ngày 6 tháng 1 năm 2001, số 31.

[2] Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sắc lệnh phong thánh cho Thánh Josemaría Escrivá, ngày 6 tháng 10 năm 2002.

[3] Mt 5, 48.

[4] Ga 15, 5.

[5] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Bài giảng trong Thánh Lễ Tiệc Ly, ngày 13 tháng 4 năm 2006.

[6] Tài liệu vừa dẫn.

[7] Thánh Josemaría, Tràng Hạt Mân Côi, Mầu nhiệm thứ 4 - Mầu nhiệm vui.

[8] Thánh Josemaría, Chúa Giêsu đi qua, số 114.

[9] Tài liệu vừa dẫn.

[10] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Bài giảng trong Thánh Lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngày 8 tháng 12 năm 2005.

[11] Tài liệu vừa dẫn.

[12] Tài liệu vừa dẫn.

[13] Tv 50[51], 19.

[14] Thánh Josemaría, Lò rèn, số 814.